Asakusa Kannon còn được biết đến với tên gọi là Sensoji. Senso là một cách gọi khác của Asakusa, còn “ji” tiếng Nhật có nghĩa là đền, chùa. Sensoji là ngôi chùa cổ xưa nhất không những của Asakusa, mà là của cả thành phố Tokyo. Chùa được xây dựng hoàn chỉnh vào năm 645. Đây là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn ở Tokyo như:
– Sanja Matsuri: diễn ra vào tháng 5, đây là 1 trong 3 lễ hội chính của Tokyo.
– Hozuki-ichi (Hozuki Market): diễn ra vào tháng 7.
– Asakusa Samba Carnival: diễn ra vào tháng 8.
– Tokyo Jidai Matsuri: diễn ra vào tháng 11, là lễ hội tưởng nhớ lịch sử của Tokyo và văn hóa thời Edo.
– Hagoita-ichi (Hagoita Market) – diễn ra vào tháng 12: Hagoita là cái vợt bằng gỗ trong trò chơi Hanetsuki, một trò chơi truyền thống giống như môn cầu lông.
Cùng Windy Travel tìm hiểu về những nét chính của ngôi chùa Asakusa Kannon linh thiêng bậc nhất Tokyo này nhé!
A. Lịch sử của chùa Asakusa Kannon
Theo truyền thuyết kể lại rằng, vào năm 628 trong khi đang thả lưới đánh cá trên dòng sông Sumida, 2 anh em Hinokuma Hamanari và Hinokuma Takenari, đã tìm thấy một tượng Phật Quan Âm (Kannon) cao khoảng 5.5cm vướng vào trong lưới của mình; mặc dù nhiều lần tìm cách đưa tượng Phật về lại dòng sông nhưng bức tượng vẫn quay trở lại với họ. Vị trưởng lão trong làng là Hajino Nakamoto đã nhận thấy được sự linh thiêng của bức tượng nên đã hiến tặng một phần ngôi nhà của mình lập một ngôi chùa nhỏ thờ Phật Quan Âm để dân chúng trong làng có thể đến cầu viếng.
B. Các điểm tham quan chính của chùa Asakusa Kannon
1. Kaminarimon (雷門) – Cổng Sấm
– Đây là cổng chính thứ nhất của ngôi chùa Asakusa Kannon, cổng được xây dựng đầu tiên vào năm 942 bởi nhà cầm quyền của quận Musashi là Tairano Kinmasa. Cổng đã bị phá hủy rất nhiều lần và có hình dáng như hiện nay chỉ bắt đầu từ năm 1950.
– Cổng được treo một cái đèn lồng lớn màu đỏ cao 4m, chu vi 3.4m, nặng khoảng 670kg ở ngay chính diện và 2 bên là bức tượng của 2 vị thần: Thần Raijin (Thần Sấm) và Thần Fujin (Thần Gió). Vì thế tên gọi chính xác của cổng phải là Furaijin Mon – Cổng Sấm và Gió.
– Trước đây, cổng được đặt gần Komagata nhưng sau này cổng được xây dựng lại ở vị trí như hiện nay sau thời Kamakura (1192-1333) vì người ta tin rằng đây là nơi xuất hiện đầu tiên của thần Sấm và thần Gió.
– Qua khỏi Cổng Sấm là một con đường mua sắm gọi là Nakamise.
2. Nakamise dori (仲見世)
– Là con đường mua sắm dài khoảng 250m, được hình thành đầu tiên vào năm 1685. kéo dài từ Cổng Sấm đến tận Cổng Hozomon.
– Đường được lát gạch và 2 bên đường là những cột nhà được sơn màu đỏ son.
– Con đường mua sắm này có khoảng 90 gian hàng dọc 2 bên đường. Ở đây, ngoài những đồ lưu niệm truyền thống điển hình của Nhật Bản như yukata hay quạt giấy còn có những đồ lưu niệm và các quầy thức ăn đặc trưng của địa phương Asakusa.
– Khi đi hết con đường mua sắm, sẽ dẫn đến cổng thứ hai của chùa Asakusa Kannon được gọi là Hozomon (宝蔵門).
3. Hozomon (宝蔵門)
– Đây là cổng chính thứ hai của ngôi chùa Asakusa Kannon, cổng đã từng bị đốt cháy nhiều lần và được tái xây dựng lại bằng bê tông vào năm 1964.
– Cổng còn có nét độc đáo là một đôi dép bằng rơm khổng lổ treo ở 1 bên.
– Trước đây cổng còn có tên gọi là 仁王門 (Niomon) vì ở 2 bên cổng là hai vị thần bảo vệ Nio của Đức Phật.
– Ngày nay cổng có tên gọi là Hozomon: Hozo có nghĩa là ngôi nhà kho báu, bởi vì có nhiều kho báu của đền Sensoji được cất giữ ở đây.
– Ngay trước mặt cửa này là sân chính và chùa Sensoji; phía bên phải là khu lăng mộ Kasakura; bên trái là ngôi chùa năm tầng và điện Dempoin.
4. Kannondo (観音堂) – Điện Quan Âm
– Là đại điện chính của đền thờ Sensoji.
– Đại điện cũ được xây dựng lại vào năm 1649 và được công nhận là di sản quốc gia. Tuy nhiên vào năm 1945, đại điện bị cháy trong cuộc không kích Tokyo. Đại điện như hiện nay được tái xây dựng bằng bê tông vào năm 1958 (năm Chiêu Hoà thứ 33).
– Đại điện quay mặt về phía Nam, bên trong đại điện được phân thành 2 khu vực: khu vực dành cho tín đồ ở phía trước và khu vực đặt tượng Phật quan trọng ở phía trong. Vào ngày 13 tháng 12 hàng năm, cửa đại điện được mở, tuy nhiên các tín đồ chỉ được phép thắp nhang và đứng xem tượng Phật Quan Âm ở phía ngoài, còn khu vực đặt tượng Phật quan trọng ở phía trong thì không được phép vào.
5. Gojunoto (五重塔) – Tháp 5 tầng
– Busshari (tro của Đức Phật) và Reihai (bài vị của Đức Phật) được đặt ở đây.
– Tổng chiều cao của chùa là 53m, trong đó hàng cột đỡ cao 5m.
– Chùa được xây dựng bởi Tairano Kinmasa vào năm 942, qua nhiều lần bị tàn phá, vào năm 1648 được xây dựng lại, tuy nhiên vào năm 1945 tiếp tục bị đốt cháy bởi trận không kích ở Tokyo. Chùa có cấu trúc hình dạng như bây giờ là do được tu sửa lại vào năm 1973.
– Mái ngói của chùa được làm bằng hợp kim nhôm nhưng lại trông giống như mái ngói được làm từ bùn thường thấy vào đầu thế kỉ.
6. Nitenmon (二天門) – Cổng Nhị Thiên
– Là cổng phía đông của đền Sensoji.
– Cổng Nhị Thiên ở hướng đông của Điện Quan Âm và ở phía tây của đền thờ thần đạo Asakusa.
– Bản thân nó chính là cổng Zuishin Mon của đền thờ thần đạo Toshogu ở Asakusa. Vào năm 1642 đền thờ Toshoga bị cháy nhưng riêng cánh cổng này vẫn còn tồn tại.
– Trước đây nó được gọi là cổng Yadaijin Mon bởi hình ảnh của 2 vị thần Toyoiwamadonomikoto and Kushiiwamadonomikoto của đền thờ Toshogo. Tuy nhiên tên gọi này đã được đổi thành Niten Mon (Niten có nghĩa là 2 vị thần) bởi vì 2 vị thần trong số 4 vị thần ở nhà trữ kinh Phật của đền Tsurugaoka Hachimangu Shrine ở Kamakura được di chuyển đến và đặt ở đây vào đầu triều đại Minh Trị.
Windy Travel Sưu Tầm.